Tìm

Khen thưởng, kỷ luật học sinh hướng tới trường học hạnh phúc 

Ngày 4/12, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm Khen thưởng, kỷ luật học sinh hướng tới trường học hạnh phúc.

Trong môi trường học đường, công tác khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông luôn nhằm mục đích khuyến khích, thúc đẩy học sinh phấn đấu vươn lên, noi theo các gương tốt để tu dưỡng, rèn luyện bản thân; bên cạnh đó, giúp phòng ngừa và ngăn chặn học sinh vi phạm nội quy, quy định của nhà trường, pháp luật của nhà nước và ngành giáo dục; phòng chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn và bình đẳng.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh cho biết, việc khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông hiện nay đang được thực hiện theo Điều lệ trường Tiểu học và Điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học và theo Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ Giáo dục quy định khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông.

Tuy nhiên, theo ông Linh, một số quy định về kỷ luật học sinh tại Điều lệ nhà trường và Thông tư số 08/TT chưa được đồng bộ, thống nhất. Bên cạnh đó, một số quy định tại Thông tư số 08/TT không còn phù hợp với thực tiễn công tác giáo dục học sinh, các bộ luật mới ban hành thời gian hiện nay. Đặc biệt, quy định về xử lý lỷ luật học sinh hiện nay mang tính hành chính, nặng về xử lý vi phạm, chưa thể hiện được nguyên lý, mục tiêu của kỷ luật tích cực, chưa làm cho học sinh tự nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa.

Bên cạnh đó, các quy định về xử lý kỷ luật học sinh chưa tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Luật Trẻ em 2016. Theo đánh giá của các chuyên gia và các nhà trường thì đây là điểm hạn chế, dẫn đến công tác phòng chống bạo lực học đường, phòng chống vi phạm pháp luật trong học sinh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Năm 2016, Quốc hội đã ban hành Luật Trẻ em, trong đó đã quy định rõ về quyền, nghĩa vụ, bổn phận của trẻ em. Một trong những quyền cơ bản của trẻ em là quyền được học tập. Do vậy, ông Linh nhấn mạnh: “Nhà trường cần hạn chế tối đa việc buộc thôi học đối với học sinh. Nếu các em vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng, nhà trường chỉ có thể tạm đình chỉ việc học tập trên lớp của học sinh trong thời gian ngắn để phối hợp với gia đình thực hiện các biện pháp giáo dục, giúp đỡ học sinh nhận thức được khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa”.

Từ thực tiễn nêu trên, ông Bùi Văn Linh cho biết, thực hiện Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông để thay thế Thông tư 08/TT và cũng như các nội dung về khen thưởng và kỷ luật học sinh được quy định tại Điều lệ nhà trường, để thực hiện đồng bộ, thuận lợi cho các trường học.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT tổ chức nhiều cuộc tham vấn ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý về các hình thức kỷ luật tích cực đối với học sinh đạt hiệu quả cao. Trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu tổng hợp, khái quát để đưa vào hướng dẫn tại dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông.

Tọa đàm Khen thưởng, kỷ luật học sinh hướng tới trường học hạnh phúc cũng là một trong những buổi tham vấn quan trọng trong trong tiến trình này. Tại Tọa đàm, đa số các giáo viên, cán bộ quản lý, chuyên gia giáo dục được tham vấn đồng tình với quan điểm sử dụng các biện pháp kỉ luật tích cực không mang tính bạo lực, trừng phạt học sinh. Giáo dục kỷ luật tích cực giúp học sinh tiến bộ hơn trên cơ sở nhận ra và sửa chữa những khuyết điểm của mình.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục, giáo viên phải biết tôn trọng, quan tâm, thấu hiểu học sinh; phân tích cho học sinh hiểu được hành vi sai trái, đồng thời tư vấn cho các em về hướng khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; tạo điều kiện để học sinh tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nội quy trường, lớp.

Bên cạnh đó, vẫn tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng xã hội trong việc giáo dục học sinh.

Kỷ luật tích cực sẽ được thực hiện theo những nguyên tắc sau: Lấy động viên, thuyết phục, cảm hóa, tư vấn là biện pháp chính. Giáo viên cần áp dụng những hình thức phạt phù hợp, công bằng và nhất quán; khi phạt, giáo viên cần nói rõ sai phạm của học sinh với thái độ khoan dung, nhân ái, độ lượng và bình tĩnh.

Các giáo viên, cán bộ quản lý thống nhất rằng các hình phạt phải phù hợp với mức độ vi phạm, tránh gây căng thẳng, đối đầu với học sinh, không phạt học sinh vì những lỗi do những nguyên nhân khách quan, không phạt học sinh vì những quy định chưa được thỏa thuận trước.

Như vậy, cốt lõi của kỷ luật tích cực chính là sự tham gia vào việc xây dựng, triển khai thực hiện các quy định liên quan đến sinh hoạt và học tập của học sinh trong nhà trường với những mức độ khác nhau, nhờ đó khơi dậy được tính chủ động, ý thức tự giác, tự điều chỉnh hành vi ứng xử của cá nhân để thực hiện nội quy, quy chế trường học.

Một số hình thức kỷ luật tích cực được các thầy cô giáo, chuyên gia đề xuất áp dụng như: nhắc nhở, động viên, phê bình đối với học sinh vi phạm; tư vấn tâm lý, hỗ trợ trực tiếp để học sinh sửa chữa khuyết điểm; yêu cầu học sinh viết cảm nhận/kiểm điểm về sự việc đã xảy ra; đọc sách/xem phim tài liệu về bài học về đạo đức, ứng xử văn hóa; lao động công ích; tham gia các hoạt động vì cộng đồng; giao việc cho học sinh mắc khuyết điểm...

Nguồn: Nhật Nam (Chinhphu.vn)

Tin khác

top